In bài viết

Đề xuất một loạt quy định mới về thị thực, hộ chiếu, quản lý xuất nhập cảnh

17:21 - 27/05/2023

(Chinhphu.vn) - Chính phủ đề xuất quy định người dân được nộp hồ sơ điện tử để cấp hộ chiếu phổ thông; Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng, có giá trị nhiều lần nhập cảnh

Ngày 27/5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật trên.

Sửa quy định về xuất cảnh, nhập cảnh để đáp ứng tiến trình chuyển đổi số

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”. 

Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này…

Đề xuất một loạt quy định mới về thị thực, hộ chiếu, quản lý xuất nhập cảnh - Ảnh 1.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại phiên họp.

Qua rà soát, các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn, do đó, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, việc xây dựng luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Đề xuất một loạt quy định mới về thị thực, hộ chiếu, quản lý xuất nhập cảnh - Ảnh 2.

Các đại biểu dự phiên họp.

Trong quá trình xây dựng dự án luật, Bộ Công an đã gửi xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải dự thảo hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của quần chúng nhân dân. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Bộ Công an đã tổng hợp ý kiến góp ý, tiếp thu chỉnh lý dự thảo hồ sơ dự án Luật…

Dự thảo Luật có 3 điều. Theo đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 2 nhóm nội dung; Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Người dân được nộp hồ sơ điện tử để cấp hộ chiếu phổ thông

Một trong những bổ sung quan trọng trong dự án luật đó là nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử. 

Theo đó, dự thảo Luật bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.

Đồng thời bãi bỏ quy định nộp bản chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề xuất phân cấp giải quyết việc trình báo mất hộ chiếu phổ thông từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh về Công an cấp tỉnh, từ Công an cấp tỉnh về Công an cấp huyện, từ Công an cấp huyện về Công an cấp xã.

Đề xuất một loạt quy định mới về thị thực, hộ chiếu, quản lý xuất nhập cảnh - Ảnh 3.

Các đại biểu tại phiên họp.

Còn thời hạn hộ chiếu là được xuất cảnh

Dự thảo quy định về các trường hợp, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn theo hướng mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, quy định về thủ tục cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong một số trường hợp đặc biệt cấp bách; bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả.

Đặc biệt, một quy định rất mới, có lợi cho công dân đó là hộ chiếu còn thời hạn là đủ điều kiện xuất cảnh thay bằng quy định thời hạn sử dụng còn lại của hộ chiếu từ đủ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh như trước đây.

Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng, có giá trị nhiều lần nhập cảnh

Dự thảo luật cũng bổ sung nhiều quy định để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam. 

Cụ thể, bổ sung quy định để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề xuất quản lý chặt chẽ cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. 

Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Cơ sở lưu trú; bổ sung nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Đề xuất một loạt quy định mới về thị thực, hộ chiếu, quản lý xuất nhập cảnh - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban QP &AN của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ.

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

“Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. 

Việc xây dựng dự án Luật đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng; các quy định của dự thảo Luật phù hợp quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu cấp bách của thực tiễn”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ.

Đề xuất một loạt quy định mới về thị thực, hộ chiếu, quản lý xuất nhập cảnh - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Điều 1 dự thảo Luật), Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” bảo đảm phù hợp với các Hiệp định biên giới của Việt Nam ký kết với các nước; bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước; sửa đổi, bổ sung về đối tượng, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu, việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông; và về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 2 dự thảo Luật), Ủy ban nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quôc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung…