Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tại báo cáo này, Chính phủ cho biết, việc quy định về Hội đồng Y khoa trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã thể chế hóa quan điểm Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Theo đó, về Hội đồng y khoa quốc gia, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thống nhất chỉnh lý dự thảo luật quy định hội đồng này do Thủ tướng thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, có con dấu và trụ sở riêng.
Về phương thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực: Hội đồng không trực tiếp tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh tại trụ sở hội đồng, mà sẽ làm đầu mối, xây dựng và ban hành bộ công cụ (ngân hàng câu hỏi, đề thi).
Việc tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực sẽ thực hiện trên máy tính, nội dung kiểm tra từ ngân hàng câu hỏi do Hội đồng Y khoa quốc gia quản lý, chấm thi bằng ứng dụng phần mềm. Đồng thời, tổ chức hệ thống các địa điểm kiểm tra đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, con người, thiết bị, an ninh nhằm đảm bảo đánh giá đúng năng lực.
Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ giữ vai trò điều phối, giám sát hoạt động kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy hoạt động này có thể thực hiện được ở các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trên toàn quốc.
Như vậy, việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sẽ được tổ chức thực hiện nhiều lần trong năm trên phạm vi toàn quốc. Người dự kiểm tra có thể lựa chọn điểm kiểm tra phù hợp với nơi cư trú của mình.
Tại báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất với việc chỉnh lý lộ trình thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực như sau: Áp dụng quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề đối với chức danh bác sĩ từ ngày 01/01/2027; đối với chức danh còn lại sẽ áp dụng từ ngày 01/01/2028.
Qua thống kê một năm có khoảng 10.000 bác sĩ ra trường nên việc tổ chức đánh giá theo phương thức và lộ trình như đã nêu trên là hoàn toàn phù hợp và sẽ không gây ách tắc.
Về giấy phép hành nghề, theo dự án luật mỗi người hành nghề được cấp 1 giấy phép có giá trị 5 năm trong phạm vi toàn quốc.
Dự án này dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào đầu tháng 1/2023.
Về sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất với việc bổ sung thêm sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực tại các điều 7, 23 và 24 của dự thảo Luật.
- Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trọng việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề;
- Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ./.