Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực tài chính.
a) Vụ, Cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính (gọi là cấp Trung ương); Vụ, Cục và tương đương thuộc Cơ quan các Tổng cục, gồm: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (gọi chung là cấp Tổng cục).
b) Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp Cục).
c) Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; Kho bạc Nhà nước huyện trực thuộc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp chi cục).
Vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức.
Căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức.
Về điều khoản chuyển tiếp, dự thảo Thông tư nêu rõ, công chức được bố trí, phân công vào vị trí việc làm có ngạch công chức tương ứng với ngạch hiện giữ. Trường hợp công chức đang ở ngạch cao hơn so với ngạch công chức tương ứng của vị trí việc làm được phân công đảm nhiệm thì được bảo lưu ngạch hiện giữ theo quy định cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.