In bài viết

Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội phương án quy định rút bảo hiểm xã hội một lần

14:40 - 27/05/2024

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần để thuận lợi và phát huy dân chủ.

Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội phương án quy định rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tham luận

Góp ý về bảo hiểm xã hội một lần tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa phản ánh thực trạng nghỉ việc nhiều của người lao động ở độ tuổi từ 35 đến 40, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động. Cùng với đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng cho nghỉ việc nhiều đối với những người lao động ở độ tuổi này. Trong hoàn cảnh đó, người lao động buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán thành với cách quy định theo phương án 1, đồng thời đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút bảo hiểm xã hội một lần, để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống.

Để thuận lợi và phát huy dân chủ, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tổ chức lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội phương án quy định rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 2.

Đại biểu tham dự cuộc họp

Cho rằng vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện đang rất nan giải, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất quy định dự thảo Luật và đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng chậm đóng, để kịp thời chấn chỉnh.

Về một số chính sách mới, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần có cân nhắc để quy định kỹ trong luật nội dung đối với những đối tượng mà do doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì khi nghỉ việc cần nghiên cứu có chế độ chính sách để bảo đảm quyền lợi.

Về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề về tính lương để làm căn cứ đóng bảo hiểm của chủ thể là chủ hộ kinh doanh; của cán bộ không chuyên trách của xã, phường; đồng thời cần có sự quan tâm đến các đối tượng hưởng trợ cấp tính bằng mức lương cơ sở…

Cân nhắc thêm quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm một lần

Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội phương án quy định rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu tham luận

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm đến 02 phương án trong dự thảo luật về điều kiện hưởng bảo hiểm một lần, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án đã nêu.

 Đại biểu phân tích, cả hai phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu, vì thực tế trong bối cảnh điều kiện của nước ta hiện nay nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt. 

Vì vậy, không thể hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1 và chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm.

Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội phương án quy định rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 4.

Đại biểu tham dự cuộc họp

Theo đại biểu, nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh và ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực.

 Đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung lớn, rất cần có lộ trình vừa để người dân làm quen, tiếp cận và có thời gian để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân. Đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục cân nhắc và nên tích hợp cả hai phương án này. 

Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng phương án 1; Còn đối với người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực thì áp dụng phương án 2; đồng thời, đề nghị làm rõ 50% tổng thời gian đóng là giai đoạn nào.

Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội phương án quy định rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 5.

Đại biểu tham dự cuộc họp