Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, chiều 19/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận.
Đề cập về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tại Điều 40 dự thảo Luật, có 4 lực lượng phòng cháy, chữa cháy, bao gồm: Lực lượng dân phòng; Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành; Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, tại Điều 9 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, quy định “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo yêu cầu, hướng dẫn, phân công của Công an cấp xã hỗ trợ lực lượng dân phòng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được điều động”.
Lực lượng Công an xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được đào tạo, tổ chức tương đối bài bản, trang bị đầy đủ trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định bổ sung 02 lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là: “Công an xã và Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” để thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã và Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Liên quan đến việc thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành (Điều 41), đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm: Khoản 2 Điều 41 dự thảo Luật chỉ quy định: “…người đứng đầu cơ sở thành lập, quản lý và được bố trí thành Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành”.
Tuy nhiên, điều khoản lại không quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức của các Đội này ra sao, từng đội thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào, mặc dù phạm vi thành lập và hoạt động của hai đội là khác nhau.
Để đảm bảo tính khả thi, không vướng mắc khi thực hiện Luật được ban hành, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể nhiệm vụ của Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở thực hiện như thế nào, nhiệm vụ của Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành tại một số cơ sở thuộc một số lĩnh vực có nguy hiểm về cháy, nổ như thế nào, ra sao.