In bài viết

Để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu

18:55 - 05/07/2022

(Chinhphu.vn) - Miễn học phí là điều nên làm. Nếu không có kinh phí, chúng ta cũng cần tìm cho ra kinh phí để thực hiện với quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi. Bên cạnh đó, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu.

Để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu - Ảnh 1.

Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình đến trường. Có đầu tư vào nền tảng giáo dục thì mới có cơ hội để phát triển.

Đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS

Như đã đưa ngày 4/7, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí là 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học). 

Nếu thực hiện đề xuất này, ngân sách nhà nước phải tăng thêm 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.

MIỄN HỌC PHÍ: Quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi - Ảnh 2.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Miễn học phí là điều nên làm. Nếu không có kinh phí, chúng ta cũng cần tìm cho ra kinh phí để thực hiện với quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi.

Quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi

Trao đổi về vấn đề này trên báo Dân trí, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. 

Theo ông, cấp học THCS là bậc giáo dục cơ bản, có thể chưa được gọi là giáo dục bắt buộc nhưng về bản chất và mục tiêu là giáo dục bắt buộc.

Ông phân tích, Nghị quyết Quốc hội đã cho thấy, giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9, mục tiêu là học sinh được giáo dục những tri thức cơ bản nhất, cốt lõi nhất, phổ thông nhất. Giai đoạn sau, ở cấp THPT là phân hóa, định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ được học sâu hơn ở các môn.

"Giai đoạn 1 nên được gọi là phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc, dựa trên tính chất của giai đoạn này, dù chưa được nêu trong Luật. Như vậy, mọi công dân của một đất nước ít nhất phải được hưởng thụ giáo dục cơ bản, tức giáo dục tới bậc THCS. Đây là điều vô cùng quan trọng, cần thực hiện ngay, đến giờ mới thực hiện là muộn", GS nói.

Ông cũng cho biết, cái khó hiện nay là vấn đề Nhà nước có đủ kinh phí để thực hiện đề xuất này hay không. "Tuy nhiên, theo tôi, đây là điều nên làm. Nếu không có kinh phí, chúng ta cũng cần tìm cho ra kinh phí để thực hiện với quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi. Quan điểm của tôi là vậy", GS Báo nêu ý kiến.

Ông lấy dẫn chứng một số nước trên thế giới, họ đã miễn học phí cho toàn bộ học sinh trong cả giai đoạn giáo dục phổ thông để đầu tư vào giáo dục. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, theo GS, việc miễn học phí cả giai đoạn giáo dục phổ thông sẽ khó, nhưng giáo dục cơ bản từ lớp 1 tới lớp 9 nên được miễn học phí: "Không có kinh phí thì chúng ta cần nghĩ cách khác để làm được việc này, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu".

MIỄN HỌC PHÍ: Quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Để học sinh không phải đóng học phí nữa sẽ là điều rất hợp lý.

Học sinh không phải đóng học phí là điều rất hợp lý

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, thực ra điều này không mới, đã được nói nhiều năm nay.

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ có nội dung miễn học phí cho học sinh THCS. Dù đây là chính sách tiến bộ, nhân văn, song vì khó khăn về kinh phí từ ngân sách nhà nước nên nhiều năm nay chưa thể triển khai được.

Việc miễn học phí sẽ tạo điều kiện cho tất cả con em mọi miền đều có thể đi học được. Hiện Nhà nước yêu cầu dân trí phải có trình độ phổ cập THCS, nếu chúng ta tạo điều kiện cho tất cả trẻ được đi học; để học sinh không phải đóng học phí nữa sẽ là điều rất hợp lý.

"Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình đến trường. Có đầu tư vào nền tảng giáo dục thì mới có cơ hội để phát triển.

Hiện nay ở các thành phố lớn thì không nói, chứ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhiều nhà điều kiện kinh tế rất khó khăn. Thu xếp cho một đứa con đi học cũng rất khó. Việc miễn học phí đến cấp THCS sẽ tạo điều kiện rất lớn để nhiều em được đến trường hơn", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

MIỄN HỌC PHÍ: Quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi - Ảnh 5.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để miễn học phí cho học sinh.

Chúng ta phổ cập tới bậc THCS nhưng chỉ miễn học phí tới bậc tiểu học

Chia sẻ quan điểm của mình, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPTDL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Bất cập hiện nay là nước ta đang thực hiện phổ cập tới bậc THCS, nhưng lại chỉ miễn học phí tới bậc tiểu học.

Khi phổ cập giáo dục, có nghĩa là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc học sinh phải đi học, phụ huynh phải đưa con đến trường, nếu các em không đi học là vi phạm luật.

Một khi đã bắt buộc như vậy, Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để miễn học phí cho học sinh. Dù mức học phí cấp THCS hiện nay không quá cao, song vẫn có rất nhiều gia đình khó khăn, không có tiền cho con đi học.

Song song với miễn học phí ở trường công lập thì thúc đẩy, khuyến khích mở trường tư thục. Xã hội ta có truyền thống hiếu học, mọi người sẽ cùng chung tay góp sức mình cho giáo dục. Những gia đình có điều kiện sẽ đầu tư cho con học trường tư, và chất lượng giáo dục ở các trường này phải giống như dịch vụ.

Giá cao, thì chất lượng phải cao. Người có thu nhập cao thì đầu tư cho con mình vào các trường này. Đó là quy luật chung của xã hội trong việc lựa chọn các dịch vụ tiện ích của xã hội.

Để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu

Tuy vậy, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, học phí so với các khoản thu khác chẳng đáng là bao so với các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường hiện nay.

Do đó, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu. Bản thân các nhà trường có thể khó khăn hơn, nhưng miễn học phí là chính sách nhân văn cần áp dụng. Vấn đề quản lý lạm thu là việc của ngành giáo dục.

"Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi liệu ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục có tăng? Lấy kinh phí ở đâu ra để giải quyết việc này, hay lại rút từ cái này, đập vào cái kia.

Trong trường hợp, ngân sách chưa tăng, nguồn lực còn hạn chế, có thể thực hiện từng bước bằng cách miễn học phí cấp THCS tại các vùng sâu vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn trước khi áp dụng đại trà trên cả nước", TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.