In bài viết

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: 5 nguyên tắc chung đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

09:27 - 15/04/2024

(Chinhphu.vn) - Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. Theo ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có 5 nguyên tắc chung đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: 5 nguyên tắc chung đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập- Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

 Yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đặt tên mới

Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên nhiều tên gọi mới (dự kiến) đã gây phản ứng trong dư luận vì xóa sổ toàn bộ tên địa danh gắn với lịch sử, văn hóa địa phương. Ông có suy nghĩ thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chắc chắn là như vậy, việc đặt tên cho một đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là việc công việc của chính quyền mà nó cần thể hiện truyền thống lịch sử địa phương, những dấu ấn gắn với người dân, thể hiện niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân địa phương vun đắp, xây dựng và cả những mơ ước của họ gắn với những địa danh đó. 

Không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên làng, trải qua thời gian, gắn bó với lịch sử luôn được đặt một cách có ý nghĩa và rất trân trọng. 

Vì thế, khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau.

Chúng ta cần phải hiểu lý do của những phản ứng từ người dân. Những địa danh trong quá khứ luôn ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa nhất định, nhất là đối với các làng, đơn vị cộng cư nhỏ và gần gũi nhất đối với mỗi người. 

Đó có thể là những mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, thường được thể hiện bằng chữ Hán, như An Thái, Nhân Hòa, An Ninh, Thượng Thọ,… hay gắn với dòng họ lập làng, có đông người nhất như Bùi Xá, Cao Xá, Lê Xá,… hay gắn với đặc thù cảnh quan, môi trường thiên nhiên như Hạc Trì, Đông Sơn, Hào Nam,… Tức là tên địa danh luôn gắn với những thông điệp nhất định nào đó. 

Mà “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, chưa kể ngày nay, các địa phương còn có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác biệt, vì thế việc sáp nhập, thay đổi dẫn đến việc hòa lẫn văn hóa với nhau không chỉ rất dễ dẫn đến tình trạng làm mất bản sắc của vùng đất, mà nguy hiểm hơn còn có thể gây ra những xung đột, mâu thuẫn không cần thiết.

Trải qua thời gian, tên đất, tên làng lại được kết tinh rất nhiều những giá trị đặc biệt khác, qua ca dao, tục ngữ, lễ hội, phong tục, tập quán, cả cả danh nhân lịch sử… 

Trước kia, thậm chí người ta còn gắn tên làng với tên người để thấy tầm quan trọng của truyền thống của một vùng đất quan trọng thế nào. 

Mở rộng hơn làng, các xã hay tổng, trấn trước kia, huyện, tỉnh bay giờ, hay cả một vùng Đông, Đoài, Sơn Nam,… cũng đều là những vùng văn hóa. 

Nói như vậy để chúng ta thấy yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc đặt tên mới, từ đó giúp chúng ta cẩn trọng hơn trong việc đặt tên.

5 nguyên tắc đặt tên mới

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: 5 nguyên tắc chung đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập- Ảnh 2.

Theo ông, làm thế nào để đảm bảo việc đặt tên mới phản ánh đúng lịch sử và văn hóa của khu vực? Những yếu tố nào trong quá khứ của xã phường cần được lưu giữ trong tên mới, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đây là một điều rất khó và phụ thuộc vào từng địa phương, thậm chí là từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên có thể có một số nguyên tắc chung thế này: 

Thứ nhất là phải nghiên cứu lịch sử và văn hóa của địa phương. Trước khi đặt tên cho một địa danh mới thì chúng ta cần hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, và các sự kiện quan trọng trong khu vực đó qua tham khảo tư liệu lịch sử, tìm kiếm thông tin từ các nhà nghiên cứu địa phương hoặc dân cư địa phương.

Thứ hai là cần tham vấn cộng đồng địa phương, bao gồm cả các nhóm dân tộc, văn hóa, dòng họ, và các lãnh đạo địa phương qua cuộc họp cộng đồng, hoặc các cuộc thăm dò ý kiến kể cả thảo luận trên mạng.

Thứ ba là chú ý sử dụng ngôn ngữ địa phương, cân nhắc sử dụng ngôn ngữ địa phương. Điều này không chỉ giúp tôn vinh và bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa địa phương, mà còn giúp tạo ra một liên kết mạnh mẽ hơn giữa cộng đồng và địa danh.

Thứ tư là cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa. Theo đó khi đặt tên cho một địa danh mới, phải cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa của tên đó. Tránh việc chọn các từ ngữ hoặc tên gọi có thể gây tranh cãi hoặc không tôn trọng đến một phần của cộng đồng. 

Thứ năm là thực hiện quy trình chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy trình và quy định pháp lý khi đặt tên cho địa danh mới.

Lắng nghe ý kiến và gợi ý tên mới từ cư dân là một ý tưởng rất tốt và có ý nghĩa, giúp xây dựng sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng 

 

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: 5 nguyên tắc chung đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập- Ảnh 3.

 Ông có thể nói cụ thể hơn về việc tham vấn cộng đồng, các bên liên quan khi đề xuất và quyết định tên gọi mới? Theo ông, có nên tổ chức cuộc họp hoặc khảo sát để lắng nghe ý kiến và gợi ý tên mới từ cư dân không?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan khi đề xuất và quyết định tên gọi mới là một phương pháp rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới.

 Tham vấn cộng đồng là cách tốt nhất để bảo đảm rằng quyết định đặt tên đơn vị hành chính mới được đưa ra dựa trên ý kiến và nhu cầu của cộng đồng, thể hiện sự tôn trọng quan điểm và nguyện vọng của những người sống trong khu vực đó. 

Tham vấn cộng đồng không chỉ là cách để lắng nghe ý kiến mà còn tạo ra sự tham gia và ủng hộ từ phía cộng đồng. Khi cộng đồng thấy rằng họ có thể tham gia vào quá trình quyết định, họ có khả năng cao hơn để ủng hộ và chấp nhận quyết định cuối cùng.

Tiếp theo đó, tham vấn cộng đồng có thể giúp phát hiện ra những ý tưởng và gợi ý tên gọi mới mà các cơ quan quản lý Nhà nước chưa nghĩ đến. Người dân địa phương có thể có cách nhìn khác và thông tin quý từ quan điểm của họ về lịch sử, văn hóa và các yếu tố đặc biệt khác của địa phương.

Bên cạnh đó, tham vấn cộng đồng cũng giúp tạo ra sự minh bạch và công bằng trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới, giúp tránh gây ra sự tranh cãi và phản đối từ phía cộng đồng sau này.

 Vì vậy, tôi nghĩ, việc tổ chức cuộc họp hoặc khảo sát để lắng nghe ý kiến và gợi ý tên mới từ cư dân là một ý tưởng rất tốt và có ý nghĩa, giúp xây dựng sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng và tạo ra một quyết định đặt tên minh bạch và phù hợp hơn.

Sử dụng lại tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới: Phải đảm bảo không gây ra rắc rối giấy tờ và hỗ trợ quá trình sáp nhập một cách thuận lợi

 Liệu có nên sử dụng lại tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới không thưa ông? Làm thế nào để đảm bảo việc sử dụng lại tên gọi này không gây rắc rối giấy tờ liên quan?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ không có gì là không thể, miễn là chúng ta có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng quy trình. 

Thực tế, chúng ta đã từng làm chuyện này với khá nhiều địa danh. Thậm chí, theo tôi, đây còn là một lựa chọn hợp lý, nhất là khi tên đó có ý nghĩa lịch sử, văn hóa hoặc ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng việc sử dụng lại tên gọi này không gây ra rắc rối giấy tờ và hỗ trợ quá trình sáp nhập một cách thuận lợi. 

Để làm được điều đó, trước khi thực hiện việc sử dụng lại tên gọi, chúng ta phải thông báo và giải thích cho cộng đồng về lý do và ý nghĩa của việc này để giúp tạo ra sự hiểu biết và chấp nhận từ phía cộng đồng. 

Thêm vào đó, chắc chắn là chúng ta cần bảo đảm rằng việc sử dụng lại tên gọi được thực hiện thông qua các quy trình chặt chẽ, phù hợp; bảo đảm các thông tin liên lạc như địa chỉ, hồ sơ đăng ký đất đai, khai sinh, kết hôn,… của đơn vị hành chính mới được cập nhật và phản ánh đúng tên gọi mới để tránh gây nhầm lẫn và rắc rối khi liên lạc với đơn vị hành chính mới.

Đồng thời cũng cần cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn cho công dân và doanh nghiệp về việc cập nhật thông tin liên quan đến tên gọi mới của đơn vị hành chính qua việc cung cấp thông tin trên trang web của đơn vị hành chính mới hoặc đợt thông tin cho cộng đồng; bảo đảm các cơ quan liên quan như ngân hàng, bưu điện, và các cơ quan Nhà nước khác đã được thông báo về việc sử dụng lại tên gọi và cập nhật thông tin liên quan./.