In bài viết

ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị hành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế

08:41 - 29/10/2022

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội đề nghị hành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế nhằm tập trung phân công, kiểm soát quyền lực; tiến hành tổng giám sát bằng tiến sĩ, thạc sĩ trọng tâm là nhóm cán bộ trung cao cấp; có nghị quyết riềng về tự chủ toàn diện đối với y tế, giáo dục.

ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị hành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân kiến nghị cần ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế.

Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau kiến nghị cần ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế.

Theo đại biểu, "chúng ta đã đưa ra 3 đột phá chiến lược, nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhiều nhiệm kỳ Quốc hội nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết căn bản, trong khi đó thể chế là nền tảng của kiến tạo và phát triển trong quản trị quốc gia".

Nếu thành lập Ban Chỉ đạo này, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị tập trung vào ba nhóm thể chế:

Một là, thể chế nhà nước tập trung vào phân công, kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, hướng tới một Nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. 

Hai là, nhân việc cơ quan Đảng, các cấp xử lý kỷ luật một số cán bộ chủ chốt ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (liên quan đến vụ việc dư luận gọi là "Lò ấp" tiến sĩ), đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần có tổng giám sát bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của toàn bộ máy nhà nước để sàng lọc chất lượng nhân sự, bảo đảm cho quản lý, điều hành của cả hệ thống.

Ba là, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết riêng về tự chủ toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và y tế ở trên 4 phương diện: độc lập, tự chủ về mô hình và phương thức hoạt động; độc lập về nhân sự, tự chủ về nhân sự; tự chủ về ngân sách và tài chính; tự chủ về đầu tư, thẩm quyền đầu tư.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, có như vậy thì mới có đột phá về chất lượng nhân sự và chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.

"Còn chúng ta trao quyền nửa vời, khó có thể phát huy được tính năng động, sáng tạo và đặc biệt vấn đề cấp bách hiện nay là phải có các cái giải pháp thích ứng", đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu, vừa qua các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý nghiêm một số doanh nhân có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất đúng đắn để làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế và khôi phục niềm tin đối với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn có những đối tượng tung tin bịa đặt gây hoài nghi về những giải pháp này. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp này.

Vị đại biểu tỉnh Cà Mau cũng đề nghị bên cạnh xử lý nghiêm theo pháp luật, cần có chính sách khoan dung đối với doanh nhân ăn năn hối cải, sẵn sàng lập công chuộc tội, vì lực lượng doanh nhân chính là nòng cốt của lực lượng tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Về an ninh năng lượng, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát lại cách tính giá điện mua vào, đồng thời điều chỉnh thích hợp về giá điện đối với điện - năng lượng tái tạo và điện gió phù hợp với yêu cầu cạnh tranh giá trong điều kiện kinh tế thị trường.

Đại biểu cũng đề nghị khẩn trương có những biện pháp thích hợp về mặt tài chính để hỗ trợ bù giá cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Nghị quyết 42 của Quốc hội để tăng cường năng lực sản xuất xăng dầu cung ứng cho xã hội tiêu thụ năng lượng một cách chủ động, không có tình thế biến động như vừa qua.