Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, tiến độ xây dựng đề án đấu giá biển số xe đang được Bộ Công an tích cực triển khai. Nếu được các cấp có thẩm quyền và bộ, ngành thẩm định sớm, dự thảo nghị quyết thí điểm sẽ được trình Quốc hội xem xét vào tháng 10 tới.
Theo đó, dự thảo nghị quyết thí điểm này tập trung vào một số vấn đề lớn, như hệ số đưa ra đấu giá, xác định giá khởi điểm, đấu giá trong trường hợp có một người đăng ký duy nhất, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, phân bổ sử dụng nguồn thu và thời gian thí điểm (dự kiến 3 năm).
Trong đó, cơ quan chủ trì (Bộ Công an) đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép nghị quyết thí điểm này thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10/2022 của Quốc hội.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, theo quy định hiện hành của Luật Quản lý tài sản công, kho biển số xe là kho số phục vụ quản lý nhà nước và cần được sử dụng hiệu quả. Muốn vậy, phương pháp hiện nay là niêm yết giá hoặc đấu giá. Nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, rất cần thiết sớm ban hành nghị quyết thí điểm này để công khai, minh bạch trong hoạt động và tạo nguồn thu ngân sách.
"Kho biển số xe do Nhà nước quản lý sẽ được thí điểm đấu giá phục vụ tổ chức, cá nhân có nhu cầu, chứ không phân biệt biển số "xấu-đẹp", "độc-lạ".
Phạm vi thí điểm cho xe "nền trắng, chữ đen", chưa xem xét đấu giá biển số mô tô, xe chuyên dùng", Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nêu rõ.
Ông Đỗ Thanh Bình cũng cho biết, khó khăn hiện nay là chưa xác định được các công thức tính giá khởi điểm (đắt, rẻ hay phù hợp, có thất thoát tài sản hay không). Không có cơ sở để xác định giá trị từng biển số, do biển số là giá trị ảo, phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của từng cá nhân và do thị trường quyết định.
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì dự kiến đề nghị giá khởi điểm cho biển số xe đấu giá khoảng 40 triệu đồng/biển số xe tại Hà Nội và TPHCM và 20 triệu đồng/biển số xe đối với các tỉnh, thành phố khác.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Hội đồng thẩm định nhất trí với việc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết thí điểm về đấu giá biển số ô tô là phù hợp.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết thí điểm là đấu giá "biển trắng, chữ đen" cho tổ chức, cá nhân trên toàn quốc.
Các chính sách như lớn, như hệ số đưa ra đấu giá, xác định giá khởi điểm, đấu giá trong trường hợp có một người đăng ký duy nhất, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá và phân bổ sử dụng nguồn thu… phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, không có quy định nào vi phạm Hiến pháp.
"Có một số quy định chưa thống nhất với một số quy định hiện hành của các luật, như Luật Giao thông đường bộ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước… Vì thế, chúng ta cần báo cáo Quốc hội để xem xét, cho ý kiến. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trao quyền cho Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm", Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết.
Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì cần làm rõ hơn một số vấn đề, như quy trình tham gia đấu giá, công bố số lượng biển đấu giá, thời gian để đăng ký đấu giá, 1 biển nhiều người đấu giá, 1 biển chỉ có 1 người đấu giá…
Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn căn cứ việc dự kiến phân bổ nguồn thu từ đấu giá biển số xe là nộp về ngân sách Trung ương hưởng 70%, để lại cho địa phương 30% nguồn thu từ đấu giá.
Do tính cấp bách của vấn đề khi dư luận đang hết sức quan tâm, Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì sớm hoàn thiện hồ sơ của dự thảo nghị quyết thí điểm theo thủ tục rút gọn để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến./.
Lê Sơn