Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa với nội dung: “Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu trước đây áp dụng tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; theo đó, Nghị định đã bãi bỏ toàn bộ Điều 8 Nghị định 120/2013/NĐ-CP đã gây khó khăn cho địa phương thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người đang chấp hành nghĩa vụ quân sự đào, bỏ ngũ về địa phương mà đơn vị đã cắt quân số.
Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh sửa để có biện pháp xử phạt đối với các đối tượng này”.
Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đào ngũ của quân nhân.
Vì, theo Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng (Thông tư số 16/2020/TT-BQP) quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng (nay là Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27/12/2023, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024) thì quân nhân đang chấp hành nghĩa vụ quân sự có hành vi đào ngũ sẽ bị xử lý kỷ luật, hoặc xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó:
1. Trường hợp quân nhân có hành vi đào ngũ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật theo Thông tư số 16/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, cụ thể:
- Điều 20 Thông tư số 16/2020/TT-BQP quy định:
“1. Tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu quá 03 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quá 07 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ luật hình sự thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Gây hậu quả nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng;
b) Khi đang làm nhiệm vụ;
c) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
d) Lôi kéo người khác tham gia.”
- Khoản 4 Điều 42 Thông tư số 16/2020/TT-BQP quy định: “Trường hợp quân nhân đào ngũ bị xử lý kỷ luật vắng mặt thì đơn vị gửi văn bản thông báo hình thức xử lý và yêu cầu quân nhân vi phạm trở lại đơn vị về ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn, cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú và gia đình quân nhân. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà quân nhân vi phạm vẫn không trở lại đơn vị thì bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”.
2. Trường hợp quân nhân đào ngũ, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm (có dấu hiệu tội phạm) sẽ được xem xét, xử lý theo quy định của Thông tư số 16/2020/TT-BQP và quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015; cụ thể:
- Khoản 10 Điều 4 Thông tư số 16/2020/TT-BQP quy định: “...Người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, đơn vị không giảm quân số quản lý mà chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra trong Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật;...”.
- Khoản 1 Điều 402 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “1. Người nào rời bỏ hàng ngũ Quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, quân nhân đang chấp hành nghĩa vụ quân sự có hành vi đào ngũ sẽ bị cơ quan, đơn vị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định tại Thông tư số 16/2020/TT-BQP, nếu đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm (có dấu hiệu tội phạm) thì cơ quan, đơn vị không cắt quân số trả về địa phương, mà phải chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan điều tra trong Quân đội xử lý theo quy định tại Điều 402 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Pháp luật hiện hành không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đào ngũ, không giao thẩm quyền xử phạt về hành vi này cho các cơ quan, tổ chức, UBND các cấp, do vậy các địa phương sẽ không có khó khăn khi thực hiện, vì không phải xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.
Bộ Quốc phòng trân trọng tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Khánh Hòa và chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn.