In bài viết

Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều

08:10 - 30/09/2022

(Chinhphu.vn) – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công điện số 30/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có công văn số 975/PCTT-QLĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều - Ảnh 1.

Tỉnh Nghệ An huy động hàng trăm người làm việc xuyên đêm để cứu đê

Trắng đêm cứu đê vỡ

Vào lúc 20h ngày 29/9, đê kênh thấp còn gọi là Đê Hội Tinh đoạn qua xóm 7, Làng Rào xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị vỡ khoảng 5m.

Đây là tuyến đê xung yếu, bảo vệ cho gần 1.700 hộ dân (khoảng 6.000 nhân khẩu). Sau khi phát hiện sự cố, huyện Hưng Nguyên đã huy động các lực lượng và nhân dân tập trung cứu đê.

Sau gần 12 tiếng đồng hồ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Nghệ An, lực lượng quân và dân đã phối hợp khắc phục cơ bản sự cố vỡ đê, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều - Ảnh 2.

Đảm ảo an toàn hệ thống đê điều tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

Ngày 29/9, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có công văn số 975/PCTT-QLĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Nội dung văn bản nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay mực nước sông Cả, sông La đang lên; mực nước lúc 16h ngày 29/9/2022 trên sông Cả tại Nam Đàn là +6,01m (dưới BĐ2 0,89m), trên sông La tại Linh Cảm là +4,1m (dưới BĐ1 0,4m). Dự báo mực nước các sông Cả, sông La tiếp tục lên và trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều - Ảnh 3.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các sông; tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định.

Thứ hai, kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang và triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Thứ ba, rà soát, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Thứ tư, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai.

Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều - Ảnh 4.

Công điện chỉ đạo ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Ngày 29/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công điện số 30/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Nội dung Công điện nêu rõ: từ đêm ngày 28-29/9, các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa lớn từ 150-300mm, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại Nghệ An đã có 03 người chết, mất tích do đi qua ngầm tràn và đánh bắt cá ở khu vực nước ngập sâu.

Dự báo, trong ngày 29-30/9, tiếp tục có mưa lớn tại các tỉnh, lũ thượng lưu sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3, các sông khác ở Thanh Hóa, Nghệ An lên BĐ1 và trên BĐ1.

Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều - Ảnh 5.

Mưa lũ gây ngập lụt nghiêm trọng tại Nghệ An

Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh và các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bằng mọi hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh; tổ chức sơ tán người dân khỏi vùng nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Thứ hai, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; 

Tuyên truyền để người dân không đánh bắt cá, vớt gỗ và các hoạt động ở các khu vực nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều - Ảnh 6.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều

Thứ ba, kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều.

Thứ tư, vận hành công trình tiêu úng, bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp và các khu vực đô thị, vùng trũng thấp.

Thứ năm, chỉ đạo cơ quan truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Thứ sau, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.