Nhằm phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...
Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió.
Hồ sơ của từng nhà máy điện EVN phải cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra gồm toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.
Các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.
Trong đó chỉ riêng tại địa bàn trọng điểm về phát triển năng lượng tái tạo là tỉnh Gia Lai đã có đến 4 dự án thuộc diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra, gồm: Nhà máy điện gió Hưng Hải ở huyện Kông Chro, Nhà máy điện gió Cửu An ở thị xã An Khê, Nhà máy điện gió Ia Le 1 ở huyện Chư Pưh và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 ở huyện Chư Prông.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Năm 2023 Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận chung và Phụ lục Kết luận thanh tra đối với 8 địa phương là những địa bàn trọng điểm về phát triển điện gió, điện mặt trời.
Trong đó Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm về phát triển nguồn điện, nhất là điện gió, điện mặt trời ở nhiều địa phương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra, xử lý.
Liên quan đến việc đề nghị điều tra, xử lý vi phạm, Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 9 vụ việc liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương và một số dự án tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Về trách nhiệm của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ xác định các nội dung cần điều tra, xử lý vi phạm gồm việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên đến 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch.
Trong số này đã phê duyệt 123 dự án với tổng công suất 8.496 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Thanh tra Chính phủ, đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới điện, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội…
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có những sở hở, khuyết điểm, vi phạm dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất xấp xỉ 1MW trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình trang trại nuôi trồng.
Việc này theo Thanh tra Chính phủ không chỉ vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà còn giúp nhà đầu tư được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống điện mặt trời mái nhà với giá FIT 20UScent/kW/h trong vòng 20 năm.
Đối với các địa phương liên quan, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các vụ việc như việc quản lý, sử dụng đất đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời, điện gió trên đất quy hoạch khoáng sản quốc gia, quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.
Việc xây dựng các dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tại tỉnh ninh Thuận.
Tại tỉnh Đắk Lắk, việc đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch vùng tưới hồ chứa nước Ia Mơr.
Tại tỉnh Đắk Nông, việc thực hiện dự án điện gió chồng lấn lên quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite.
Ngoài ra còn có vụ việc xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 trên điện tích 15,3 ha đất tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông nằm ngoài phần diện tích 208 ha được giao.
Đồng thời, việc xây dựng dự án trên diện tích 208 ha được giao thì đã có hơn 25 ha đất rừng tự nhiên chưa được chuyển mục đích sang đất xây dựng công trình năng lượng.
Theo CAND