Đề cập về nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra liên tiếp như dông sét, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương, trọng tâm là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang, Trưởng phòng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, là do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ và đới gió Đông Nam của khối không khí biển lấn từ phía Đông vào.
Mặt khác, tháng 5 và tháng 6 là thời điểm chuyển mùa và bắt đầu mùa mưa ở Bắc Bộ với đặc trưng là các đợt mưa rào, dông vào chiều tối, đêm và sáng, trung bình lượng mưa tháng 5 và 6 đóng góp vào tổng lượng mưa năm ở Bắc Bộ khoảng 15-25%.
Trong giai đoạn chuyển mùa, khí quyển thường có tính chất bất ổn định cao, cộng thêm hiện tượng El Nino đang chuyển sang pha trung tính cũng là yếu tố bất lợi có thể tạo ra các hiện tượng mưa dông mạnh kèm theo mưa đá, lốc, sét. Đây là hiện tượng bình thường, mang tính quy luật.
Nhận định về thời tiết trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7 đến tháng 9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10 đến tháng 12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm.
Cùng với đó, từ tháng 9, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm.
Riêng tháng 11 có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tháng 11, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.