Thực hiện Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; để có cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh, bảo đảm có số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ thống nhất một số nội dung về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức như sau:
Thứ nhất, việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
Đảng viên phải phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng; cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và chấp hành quyết định của cấp trên.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó, quan tâm bố trí sử dụng đối với cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Gắn với bố trí, sắp xếp nhân sự với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trên cơ sở yêu cầu của vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới để thực hiện việc bố trí, sắp xếp nhân sự gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ.
Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới, nhất là đối với người đứng đầu.
Quá trình thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ khi sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy phải thực hiện đồng bộ, liên thông, tổng thể với công tác cán bộ của tỉnh, gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; quan tâm phân công, bố trí công tác khác đối với các đồng chí đã giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ và quy định của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm sau 05 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và thực hiện việc quản lý, sử dụng biên chế theo yêu cầu chung của Bộ Chính trị tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu phải bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về tinh gọn bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và được đặt trong tổng thể trong công tác cán bộ của tỉnh; bảo đảm việc sắp xếp không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới.
Làm tốt công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện việc sắp xếp; đề cao trách nhiệm nêu gương, dũng cảm hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; quan tâm, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp theo quy định.
Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm theo quy định chung và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp.
Quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ phải thực hiện nghiêm Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm trong tổ chức thực hiện việc sắp xếp, bố trí cán bộ gắn với tinh gọn tổ chức bộ máy.
Quan điểm chung: Thực hiện việc rà soát, phân công, bố trí, điều động công tác đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và tương đương, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý đã giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên).
Rà soát, đánh giá tổng thể đội ngũ cán bộ về tiêu chuẩn, điều kiện, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp, hợp nhất;
Khuyến khích cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là cấp phó các cơ quan, đơn vị còn thời gian công tác dưới 10 năm thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu trước tuổi để thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ chung trong toàn tỉnh.
Đối với cán bộ giữ chức danh cấp trưởng ở các cơ quan, đơn vị có cơ cấu cấp uỷ cấp tỉnh (kể cả đơn vị không thực hiện sắp xếp) mà không đủ tuổi tái cử cấp uỷ tỉnh khoá XX, thì xem xét, bố trí nghỉ công tác trước thời điểm diễn ra đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở của cơ quan, đơn vị đó.
Để thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ ở các cơ quan, đơn vị thì các đồng chí cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành và tương đương còn thời gian công tác từ dưới 5 năm hoặc không đủ tuổi tái cử cấp uỷ cơ sở khuyến khích cán bộ nêu gương, hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung của tỉnh tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu, nghỉ thôi việc và thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với các đồng chí không đảm bảo về sức khoẻ, có bệnh hiểm nghèo theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền thì xem xét động viên, khuyến khích nghỉ theo chế độ hoặc phân công công tác khác phù hợp để bố trí cán bộ trẻ hơn, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực làm đội ngũ cán bộ kế cận theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII “có lên, có xuống”,”có vào, có ra”.
Đối với cán bộ còn đủ tuổi tái cử cấp uỷ nhưng không còn đủ tuổi tái cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và các chức danh lãnh đạo chính quyền, thì khuyến khích, động viên nghỉ theo chế độ hoặc bố trí nhiệm vụ khác khi kết thúc nhiệm kỳ để sắp xếp cán bộ, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông, hài hoà, hợp lý trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị.
Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức: Đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Thực hiện việc rà soát, phân công lại đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên).
Xem xét, bố trí một trong hai đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giữ chức vụ người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị mới hình thành sau sáp nhập, hợp nhất; đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ còn lại phân công, bố trí công tác khác phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác.
Trường hợp người đứng đầu hai cơ quan, đơn vị trước khi sắp xếp, hợp nhất đều là Tỉnh ủy viên, thì cơ bản xem xét, bố trí, sắp xếp 1 trong 2 người giữ chức vụ người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị mới hình thành sau hợp nhất, ưu tiên các đồng chí có trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn, điều kiện của từng ngành, lĩnh vực sát với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được hợp nhất.
Người không được bố trí làm người đứng đầu cơ quan mới, thì bố trí, phân công công tác khác phù hợp.
Trường hợp người đứng đầu 2 cơ quan, đơn vị trước khi sắp xếp một người là Tỉnh ủy viên, một người không là Tỉnh ủy viên, thì cơ bản bố trí, phân công đồng chí là Tỉnh ủy viên giữ chức vụ người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị mới hình thành sau hợp nhất hoặc bố trí một đồng chí cấp uỷ là người ngoài cơ quan, đơn vị có trình độ chuyên môn đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu, nhiệm vụ.
Người không được bố trí làm người đứng đầu cơ quan mới, thì bố trí làm cấp phó của người đứng đầu và được thực hiện chế độ bảo lưu đối với đồng chí giữ chức vụ thấp hơn theo quy định hoặc phân công, bố trí công tác khác phù hợp.
Đối với cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức: Rà soát tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị thực hiện hợp nhất, sáp nhập về cơ cấu, độ tuổi, trình độ chuyên môn, khả năng đáp ứng để bố trí bổ nhiệm chức danh cấp phó phù hợp với sở đa ngành hoặc điều động sang cơ quan, đơn vị, tổ chức khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.
Trước mắt, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức hình thành sau sắp xếp có thể cao hơn quy định, nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo quy định chung trong thời hạn 5 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án).
Việc bố trí, sắp xếp người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị kết thúc hoạt động, giải thể, thì căn cứ quy định tiêu chuẩn, năng lực, sở trường chuyên môn của cán bộ và tình hình công tác cán bộ của tỉnh để bố trí, sắp xếp công tác phù hợp.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh: nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh gọn, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, quy định;
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đảm bảo quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy;
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh theo thẩm quyền đối với cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động do sắp xếp và chính sách cho cán bộ lãnh đạo, quản lý không thuộc diện sắp xếp nhưng có nguyện vọng nghỉ trước tuổi.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh căn cứ yêu cầu, nguyên tắc và định hướng nêu tại Kết luận này, triển khai xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm quy định.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Chủ trì, tham mưu bố trí cán bộ theo thẩm quyền tại cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận này.
Trong quá trình triển khai có những vướng mắc, khó khăn thì kịp thời báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, giải quyết.