In bài viết

Hải quan chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ

14:27 - 29/01/2023

(Chinhphu.vn) - Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong thực thi công vụ. Trong đó, các đơn vị cần thực hiện ngay công tác kiểm tra, đặc biệt thanh tra, đột xuất những địa bàn, khâu nghiệp vụ nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, toàn Ngành đã nỗ lực hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ được giao. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây còn có một số cá nhân vi phạm quy trình, quy chế của Ngành, vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng dẫn đến bị khởi tố bị can, bắt tạm giam gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của Ngành (như tại Cục Hải quan Nghệ An, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh).

Để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh và tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính và của ngành Hải quan về phòng, chống tiêu cực tham nhũng, đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong thực thi công vụ.

Thực hiện nghiêm Quy chế Trực ban trong ngành Hải quan nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác trực ban, công tác quản lý hải quan, phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay công tác kiểm tra, đối chiếu hồ sơ (đặc biệt là tại các chi cục hải quan) để đảm bảo quy trình, thủ tục được thực hiện theo đúng quy định; tránh để tình trạng vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, của ngành.

Qua công tác kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, thủ trưởng các đơn vị cần xem xét, xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền (nếu có).

Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ cấp tổng cục, cấp cục, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất những địa bàn, khâu nghiệp vụ nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm.

Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị hải quan để xảy ra vi phạm

Đối với các trường hợp có khuyết điểm, vi phạm phải xử lý nghiêm minh, đúng quy định, đồng thời làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo, các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, tồn tại, thiếu sót (nếu có) theo đúng quy định. Chỉ đạo các đơn vị sử dụng các trang thiết bị kiểm tra, giám sát hiệu quả, đúng quy định; kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo các trang thiết bị được vận hành liên tục, không bị gián đoạn.

Ngoài ra, các đơn vị cần quán triệt, chỉ đạo công chức trong đơn vị thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về nghiệp vụ, thủ tục hải quan đặc biệt là các vấn đề nổi cộm liên quan đến việc sử dụng seal định vị điện tử để niêm phong giám sát hải quan, xe quá khổ giới hạn vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, quản lý khoáng sản xuất khẩu…

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Quản lý rủi ro căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác nghiệp vụ của các cục hải quan tỉnh, thành phố và các chi cục hải quan. Trong đó, tập trung vào chỉ đạo triển khai vận hành hệ thống: Camera giám sát, máy soi chiếu, seal định vị điện tử và các trang thiết bị được trang bị.

Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường công tác tuần tra, tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, điều tra và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua biên giới. Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai công tác trực ban, giám sát trực tuyến và hệ thống camera giám sát.

Vụ Thanh tra- Kiểm tra, Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm tra công vụ để phòng ngừa vi phạm, tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị để xảy ra vi phạm; đề xuất lãnh đạo Tổng cục xem xét, xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân có vi phạm và người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm trong đơn vị, lĩnh vực do mình quản lý, phụ trách.