UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố.
Kế hoạch nêu rõ, thực hiện Kết luận số 28-KL/TƯ ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức; Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; căn cứ thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các bộ chuyên ngành về vị trí việc làm và các quyết định của UBND thành phố quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND thành phố ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Mục đích xây dựng Đề án là làm cơ sở để cơ quan, đơn vị rà soát lại cơ cấu tổ chức, cách thức bố trí, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; xác định vị trí việc làm trong tổ chức gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị phù hợp, bảo đảm cơ cấu ngạch, chức danh nghề nghiệp hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Căn cứ Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng, quản lý, đào tạo, kiểm tra, đánh giá, quy hoạch, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng… đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới cải cách tiền lương hiệu quả.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và các văn bản liên quan đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và các văn bản liên quan đến toàn thể đội ngũ viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Đối với các cơ quan, tổ chức hành chính, UBND thành phố yêu cầu thực hiện rà soát, xác định danh mục vị trí việc làm và xây dựng cơ cấu ngạch của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy sau khi được kiện toàn theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Xây dựng Đề án vị trí việc làm của các đơn vị theo quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và hệ thống các biểu mẫu theo thông tư hướng dẫn của các bộ chuyên ngành.
Đối với các đơn vị sự nghiệp, thực hiện rà soát, xác định danh mục vị trí việc làm và xây dựng cơ cấu chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy sau khi được kiện toàn theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, phạm vi, đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Xây dựng Đề án vị trí việc làm của các đơn vị theo quy định tại Nghị định số 106/2022/NĐ-CP, hệ thống các biểu mẫu theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm, trên cơ sở đó làm căn cứ để xây dựng phương án sắp xếp đội ngũ viên chức, người lao động cho phù hợp.
Về trình tự thực hiện, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố xây dựng Đề án vị trí việc làm, gửi Sở Nội vụ thẩm định, phê duyệt hoặc Sở Nội vụ có ý kiến về Đề án vị trí việc làm trước khi các cơ quan, đơn vị ban hành quyết định theo thẩm quyền.
Trong thời hạn theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Nội vụ có trách nhiệm hoàn thành việc thẩm định và ban hành: Quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; văn bản cho ý kiến đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên để đơn vị ban hành quyết định phê duyệt theo thẩm quyền.
Sau khi có quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát biên chế, số lượng người làm việc bảo đảm tỷ lệ tinh giản theo giai đoạn 2023-2026; thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng… đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, khi thông tư của các bộ chuyên ngành có liên quan ban hành, các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và phạm vi, tính chất nhiệm vụ được giao, rà soát, xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Từ thời điểm thông tư của các bộ chuyên ngành có liên quan bắt đầu có hiệu lực, chậm chất trong 30 ngày làm việc, cơ quan, đơn vị trình Đề án vị trí việc làm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Sở Nội vụ ban hành các văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm; kiểm tra, đôn đốc việc hoàn thiện Đề án theo quy định hiện hành, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động của cơ quan, đơn vị; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện của các đơn vị.
Sở Nội vụ cũng có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố đánh giá xếp loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong thực hiện nhiệm vụ được giao về hoàn thiện Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị.