Phát biểu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi tán thành và thống nhất với đa số các nội dung của dự thảo Luật, đánh giá cao sự tiếp thu đối với những vấn đề mà ĐBQH đặt ra, góp ý tại kỳ họp thứ 6 và tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý một số nội dung:
Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết, tại Điều 53 khoản 1 quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 05 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 02 ngày cho 01 lần khám thai”.
Thực tế qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, có nhiều ý kiến đối với nội dung này khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sỹ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày.
Tuy nhiên theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần.
Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày,... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi.
Như vậy thời gian quy định như dự thảo Luật và Luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường.
Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, đại biểu đề nghị cũng cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.
Về Bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu đề xuất lựa chọn Phương án 1, tức là «Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, Phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án này quá trình lấy ý kiến cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.
Về lâu dài, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già.
Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động - việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật, ... để vượt qua khó khăn trước mắt.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại; khởi kiện đối với quyết định, hành vi về BHXH của cơ quan BHXH, Tại điểm b, Khoản 3 dự thảo Luật quy định: “Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trên có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp dưới trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết”.
Đại biểu đề nghị nên tiếp tục kế thừa quy định về trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 119 Luật BHXH năm 2014 sẽ phù hợp với thực tiễn hơn, tức là giao cơ quan quản lý nhà nước về lao động (Ủy ban nhân dân các cấp) giải quyết khiếu nại lần 2 sẽ khách quan, thuyết phục hơn.
Về Tố cáo, giải quyết tố cáo về BHXH (Điều 132), tại Khoản 2 Điều 132 dự thảo Luật quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước năm 1995 thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh”.
Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh” vì chưa phù hợp và cho rằng về nguyên tắc xây dựng Luật, Luật chuyên ngành chỉ cần quy định thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết tố cáo.