In bài viết

Bộ Tư pháp nói về đề xuất "tội phạm tham nhũng nộp tiền được xem xét giảm án"

06:41 - 21/07/2022

(Chinhphu.vn) - Đề xuất cho tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự mà Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng mới đây không phải quan điểm mới.

Bộ Tư pháp nói về đề xuất "tội phạm tham nhũng nộp tiền được xem xét giảm án" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

Người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết

Chiều 19/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ thông báo về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2022. Tại buổi họp báo, một số vấn đề “nóng” đã được Bộ Tư pháp giải đáp.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự  khẳng định, đề xuất cho tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự mà Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng mới đây không phải quan điểm mới.

Theo ông Lợi, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X  đã nêu rõ: "Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng".

Vì thế, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng, người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết.

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn gặp rất nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Thắng Lợi nói thêm: Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn gặp rất nhiều khó khăn. 

Khó khăn lớn nhất là các bản án tuyên số tiền phải thu hồi, thi hành rất lớn nhưng tài sản đảm bảo thực tế thi hành án thì rất ít. 

Có trường hợp có tài sản đảm bảo thi hành nhưng giá trị pháp lý, tính chất pháp lý của tài sản đó chưa được làm rõ nên gặp khó khăn. Có trường hợp án tuyên đưa ra một tài sản nhưng thông tin về tài sản đó không rõ.

"Chúng tôi phải yêu cầu chấp hành viên, cơ quan thi hành án làm rõ tính chất pháp lý để đảm bảo đưa ra kê biên xử lý. 

Trình tự, thủ tục kê biên xử lý tài sản trong các vụ án bình thường đã phải rất chặt chẽ, thận trọng nhưng trong những vụ án tham nhũng, kinh tế, chúng tôi yêu cầu phải làm rất chặt chẽ để không có sai sót", ông Nguyễn Thắng Lợi nhấn mạnh.