Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, trong đó đề xuất một số quy định mới đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã tự nguyện tinh giản biên chế.
Theo Bộ Nội vụ, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị thì việc ban hành Nghị định quy định về tinh giản biên chế nhằm giải quyết chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế, đặc biệt là có chính sách đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế ngay.
Dự thảo Nghị định đề nghị bổ sung Điều 9 mới quy định về chính sách đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ trong thời gian 06 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngoài hưởng một trong các chính sách theo quy định thì được hưởng thêm mức trợ cấp, trong đó dự thảo đề xuất 02 phương án:
Phương án 1: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1.800.000 đồng (bằng 01 tháng lương cơ sở áp dụng từ 01/7/2023).
Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thấp hơn so với lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên.
Theo Bộ Nội vụ, ưu điểm của phương án này là ngoài trợ cấp tinh giản được hưởng thì mỗi người được thêm một mức trợ cấp bằng nhau. Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 05 năm thì tối đa mỗi người được hưởng thêm mức trợ cấp là 108.000.000 đồng (60 tháng x 1.800.000 đồng).
Nhược điểm của phương án này là mức trợ cấp chưa đủ lớn để khuyến khích đối tượng dôi dư nghỉ trước lộ trình giải quyết dôi dư của cơ quan có thẩm quyền.
Phương án 2: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.
Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thấp hơn so với lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên.
Ưu điểm của phương án này là ngoài trợ cấp tinh giản được hưởng thì đối tượng này thêm một mức trợ cấp tính theo lương hiện hưởng của mình. Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 05 năm và hệ số lương trung bình là 3,66 thì trung bình mỗi người được hưởng trợ cấp khoảng 197.640.000 đồng (3,66 x 1.800.000 đồng x 1/2 x 60 tháng). Mức trợ cấp này sẽ khuyến khích được đối tượng tinh giản biên chế nghỉ trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là ngân sách sẽ chi trợ cấp cho đối tượng này lớn; đồng thời, mỗi người sẽ có mức trợ cấp khác nhau dẫn đến có sự so sánh giữa các đối tượng.
Căn cứ ưu điểm, nhược điểm của 02 phương án trên, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện theo phương án 1 nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ ngay theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.