Theo Bộ Nội vụ, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định về việc đại biểu Hội đồng nhân dân khi không còn sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 7 Hiến pháp năm 2013 quy định "Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân".
Bên cạnh đó, Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định:
“1. Đại biểu Hội đồng nhân dân không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định việc đưa ra Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Trong trường hợp Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành.
4. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.”
Cũng theo Bộ Nội vụ, trên thực tế, khi có trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm nghiêm trọng thì các địa phương thường đưa ra Hội đồng nhân dân bãi nhiệm.
Việc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân đã được tiến hành đúng quy định của pháp luật, được cử tri và Nhân dân đồng tình.
Trong khi đó, việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân chưa thực hiện được do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết, làm cơ sở triển khai thực hiện trên thực tế và phù hợp với quy định của Hiến pháp (Khoản 2 Điều 7) và của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 4 Điều 102).