Luật Phòng không nhân dân năm 2024 đã thể chế hoá đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân trên từng hướng, từng khu vực phòng thủ; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc trong tình hình mới, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng phòng không nhân dân, nhằm phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không; chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là các tình huống trên không.
Đồng thời, Luật Phòng không nhân dân 2024 cũng luật hoá các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những khó khăn, bất cập, hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phát triển, bổ sung các quy định mới bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Luật khi được ban hành.
Thông tin tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Trung tướng Đỗ Xuân Tụng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, Luật Phòng không nhân dân gồm 07 chương, 47 điều có bố cục như sau:
Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8): Quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ, nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.
Chương II. Lực lượng phòng không nhân dân, gồm 03 mục, 09 điều (từ Điều 9 đến Điều 17)
- Mục 1. Chỉ đạo, chỉ huy phòng không nhân dân: Quy định về cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân; hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân; hệ thống chỉ huy phòng không nhân dân.
- Mục 2. Lực lượng phòng không nhân dân: Quy định về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; tổ chức lực lượng phòng không nhân dân.
- Mục 3. Huy động lực lượng phòng không nhân dân rộng rãi: Quy định về thời hạn huy động lực lượng rộng rãi; độ tuổi huy động lực lượng rộng rãi; quản lý lực lượng rộng rãi; thẩm quyền, trình tự huy động lực lượng rộng rãi.
Chương III. Hoạt động phòng không nhân dân, gồm 09 điều (từ Điều 18 đến Điều 26): Quy định về nội dung hoạt động phòng không nhân dân; xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân; xây dựng thế trận phòng không nhân dân; tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân; bồi dưỡng, tập huấn về phòng không nhân dân; huấn luyện phòng không nhân dân; diễn tập phòng không nhân dân; công trình phòng không nhân dân; hợp tác quốc tế về phòng không nhân dân.
Chương IV. Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không, gồm 02 mục, 13 điều (từ Điều 27 đến Điều 39)
- Mục 1. Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác: Quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và các trang, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; phân loại, điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; giấy phép điều khiển bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; đình chỉ bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; dự báo, thông báo, hiệp đồng, quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
- Mục 2. Bảo đảm an toàn phòng không: Quy định về công tác bảo đảm an toàn phòng không; quản lý, bảo vệ trận địa phòng không; quản lý chướng ngại vật phòng không; tiêu chí bảo đảm an toàn phòng không.
Chương V. Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gồm 03 điều (từ Điều 40 đến Điều 42): Quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với phòng không nhân dân; quyền, nghĩa vụ của cá nhân đối với phòng không nhân dân; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.
Chương VI. Nguồn lực, chế độ, chính sách cho phòng không nhân dân, gồm 03 điều (từ Điều 43 đến Điều 45): Quy định về nguồn lực cho hoạt động phòng không nhân dân; chế độ chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân; bảo đảm trang bị cho lực lượng phòng không nhân dân.
Chương VII. Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (từ Điều 46 và Điều 47): Quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13, Luật số 61/2014/QH13, Luật số 16/2023/QH15 và Luật số 18/2023/QH15; hiệu lực thi hành.
Về mối quan hệ giữa phòng không quốc gia, phòng không lục quân, phòng không nhân dân: Quản lý, bảo vệ vùng trời là một nội dung lớn, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện, ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, trong đó nòng cốt là lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng phòng không lục quân và sự tham gia của lực lượng phòng không nhân dân.
Các lực lượng này được tổ chức, biên chế và bố trí khác nhau trong thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân.
Lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và phòng không nhân dân trong tổng thể mối quan hệ phối hợp cùng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời, tạo nên thế trận phòng không nhân dân liên hoàn, rộng khắp, từ xa đến gần, nhiều tầng, nhiều hướng, bảo vệ vùng trời Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống.
Lực lượng phòng không quốc gia là nòng cốt trong thế trận phòng không cả nước, phòng không lục quân là nòng cốt trong tác chiến bảo vệ đội hình chiến đấu của binh chủng hợp thành, phòng không nhân dân là nòng cốt đánh địch rộng khắp trong khu vực phòng thủ ở địa phương, đặc biệt lực lượng phòng không nhân dân còn đóng vai trò nòng cốt trong phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả thiệt hại khi bị địch tiến công.
Các lực lượng trên đều có nhiệm vụ phân định rõ ràng, không làm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của nhau.
Về nhiệm vụ phòng không nhân dân: Luật Phòng không nhân dân quy định lực lượng phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.
Về trọng điểm phòng không nhân dân: Việc xác định trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là trên cơ sở các vị trí mục tiêu trọng yếu cần phải bảo vệ hoặc hướng chủ yếu địch đổ bộ đường không hoặc tiến công đường bộ.
Việc xác định trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhằm mục đích xác định phương án bố trí lực lượng, trận địa phòng không, xác định trách nhiệm của từng cấp trong thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để quản lý, bảo vệ các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến phòng không khi có tình huống xảy ra.
Luật chỉ quy định về nguyên tắc và giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể trọng điểm phòng không nhân dân.
Về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp: Quy định về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp tại Luật chỉ nhằm bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho lực lượng tự vệ, không làm phát sinh chi phí tuân thủ; đồng thời việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện lực lượng này gắn liền với việc huấn luyện tự vệ của doanh nghiệp.
Luật quy định chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có tổ chức lực lượng tự vệ của doanh nghiệp thì tổ chức lực lượng phòng không nhân dân ở đó.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà có tổ chức lực lượng tự vệ thì vẫn tổ chức lực lượng phòng không nhân dân do lực lượng tự vệ của doanh nghiệp đó kiêm nhiệm thực hiện.
Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhỏ, với số lượng nhân lực ít, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phù hợp về quy mô tổ chức lực lượng phòng không nhân dân huy động theo hướng không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.
Sự cần thiết quy định quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác trong Luật phòng không nhân dân: Việc quy định nội dung quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác trong Luật phòng không nhân dân nhằm khắc phục những bất cập trong các văn bản pháp luật hiện hành về việc chưa quy định đến việc quản lý xuất, nhập khẩu hoặc kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Luật Đầu tư, Luật Quản lý ngoại thương), các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung trên đang quy định chưa được thống nhất.
Do đó quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc khi doanh nghiệp nhập khẩu khai báo hàng hoá là Flycam; vì vậy, việc quy định nội dung quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác tại Luật phòng không nhân dân nhằm thống nhất các quy định liên quan trong công tác quản lý là cần thiết.
Đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trên mặt trận đối không; nhằm tạo lập thế trận phòng không nhiều tầng, tầm hoả lực.
Trong đó phòng không nhân dân là một trong các lực lượng tham gia quản lý bảo vệ vùng trời ở độ cao thấp (qua nghiên cứu hiện nay các phương tiện bay không người lái hoạt động ở độ cao thấp là khá phổ biến), do đó lực lượng phòng không nhân dân là lực lượng có đủ khả năng phát hiện, xử lý hoạt động bay này.
Đồng thời, việc xây dựng lực lượng phòng không nhân dân rộng rãi từ thôn, xã trở lên sẽ là lực lượng chủ yếu trong tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác ngay từ mặt đất, khi chưa bay.
Đối với quy định phân cấp thẩm quyền cấp phép bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác: Việc phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho các đơn vị trong Bộ Quốc phòng là cần thiết nhằm đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ an toàn phòng không và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc đề xuất tăng cường phân cấp, giảm bớt các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có liên quan trong tổ chức hoạt động bay.
Đối với các trường hợp được xem xét, miễn trừ cấp phép bay: Nhằm bảo đảm vừa luật hoá các quy định về “những trường hợp được miễn trừ cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác”.
Đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, sát thực tiễn khi giao Chính phủ quy định chi tiết; giảm thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian xin cấp giấy phép bay, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng phương tiện bay không người lái vào các hoạt động vui chơi giải trí.
Theo Quochoi.vn