Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về kỹ thuật và phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn bảo vệ năm 2023, ngày 20/7, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam và đơn vị chức năng liên quan tổ chức đối thoại với gần 300 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trong và ngoài nước để giải đáp các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, tình hình cháy, nổ diễn biến ngày càng phức tạp, số vụ cháy; thiệt hại do cháy gây ra có chiều hướng gia tăng.
Có nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như vụ cháy tại quán karaoke An Phú nằm trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương ngày 6/9/2022 làm chết 32 người và nhiều vụ cháy nhà dân, nhà vừa để ở vừa kinh doanh làm nhiều người trong một gia đình bị chết, trong đó có nhiều trẻ em…
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trên toàn quốc.
Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10/2022 chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ .
Qua rà soát, kiểm tra, phát hiện có 47.719 cơ sở trên tổng số 1.182.722 cơ sở được rà soát còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 220 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an đã ban hành điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, thời gian qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Với tinh thần cầu thị và trách nhiệm, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, trao đổi, hướng dẫn, tìm ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, thiết lập đường dây nóng của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an 63 địa phương để chủ động tiếp nhận thông tin, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy.
Trên cơ sở tổ chức hướng dẫn, đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được khoảng 10.000 cơ sở về phòng cháy, chữa cháy.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đối thoại tập trung đến các vấn đề quy định pháp luật, các quy chuẩn - tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là đối với QCVN:06-2022/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, do Bộ Xây dựng ban hành; QCVN:03-2021/BCA - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy chữa cháy do Bộ Công an ban hành và TCVN 3890:2023 về phòng cháy, chữa cháy - phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Ông Nguyễn Hồng Hải, đại diện Hiệp hội đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam cho biết: Theo các danh mục thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà các cảng biển phải đầu tư như: Xe chữa cháy, tàu chữa cháy rồi nguồn lực chuyên ngành triển khai ước tính chi phí lên đến cả trăm tỷ đồng cho mỗi cảng biển chưa bao gồm chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng, nhân lực triển khai... Điều này sẽ làm tăng chi phí logistics, qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam...
Tại buổi đối thoại, đại diện một số doanh nghiệp cũng đưa ra một số ý kiến về thay đổi công năng trong các tòa nhà phục vụ kinh doanh, bán lẻ, tiêu dùng, kho hàng, kinh doanh xăng dầu; vật liệu chống cháy; lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động cho nhà kho; hay cùng một vấn đề nhưng mỗi địa phương lại hiểu và thực hiện khác nhau nhất là đối với các đơn vị có hệ thống bán lẻ trên toàn quốc...
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng Ban pháp chế cho hay, công tác phòng cháy, chữa cháy đóng vai trò rất quan trọng, việc phát hiện sớm những nguyên nhân gây ra cháy nổ, giúp tránh những trường hợp xấu xảy ra và làm thiệt hại người và tài sản của cá nhân và cộng đồng.
Qua phản hồi của doanh nghiệp, hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục phòng cháy, chữa cháy và theo khảo sát của VCCI thì đây là nhóm thủ tục nằm trong nhóm 4 khó khăn nhất (cùng với đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội…).
Còn ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho rằng, hiện nhiều nội dung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy còn thiếu tính thực tế không sát với tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến cho dự thảo, chỉ có 1/50 Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề trong nước gửi ý kiến đóng góp, trong khi đó hầu hết các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài đều gửi ý kiến. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong nước thiếu tính chủ động và chỉ khi vấn đề phức tạp xảy ra mới đưa ra ý kiến.
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, những kiến nghị, đề xuất, sáng kiến, kinh nghiệm… nêu tại hội nghị, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ tham mưu Bộ Công an, đề xuất Chính phủ có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trên tinh thần hỗ trợ tối đa doanh nghiệp để vừa thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng phải bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy./.