Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Thời gian qua, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động, tích cực theo dõi tình hình, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thực hiện quy định PCCC, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, điển hình như doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Để tìm hiểu cụ thể thông tin và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thời gian qua, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã gặp và trao đổi trực tiếp với một số Đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp (Hàn Quốc, Nhật Bản) có khó khăn, vướng mắc.
Qua trao đổi, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nhận thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các khó khăn nêu trên là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC, lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định.
Tại các buổi làm việc, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn chung:
- Đối với các trường hợp các dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo quy định Nghị định 79/2014/NĐ-CP (trước 10/01/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình theo quy định;
- Đối với các dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 10/01/2021), phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu (dùng sơn chống cháy, vữa chống cháy, tấm ốp chống cháy hay loại vật liệu gì, cách thực hiện như thế nào?…) theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định.
Chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế chịu lửa, định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, và các thành phần hồ sơ khác theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP đến cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền để thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định.
Căn cứ kết quả kiểm định mẫu kết cấu đã được thử nghiệm, kiểm định (kiểm chứng), nhà thầu tổ chức thi công bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực của công trình theo hồ sơ thiết kế và thực hiện nghiệm thu về PCCC theo quy định;
Đối với các trường hợp cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cũng triển khai văn bản rà soát các trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có các khó khăn, vướng mắc tương tự trên toàn quốc, qua đó đã nắm bắt được danh sách cụ thể, đã lập kế hoạch để phối hợp Công an các địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên toàn quốc trong thời gian tới.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Ngày 06/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020.
Qua thời gian áp dụng, cho thấy có một số điểm chưa phù hợp thực tiễn, ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).
Tiếp đó, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).
Nội dung QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp còn vướng mắc, như:
- Giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính: Quy định cũ phải sử dụng màn ngăn cháy đạt EI 60; các cửa kính, vách kính phải đảm bảo giới hạn chiu lửa EI nhưng tại QCVN 06:2022/BXD cho phép màn ngăn cháy đạt EI 60, EI 30, EI 15 (3 loại); cửa kính, vách kính chỉ yêu cầu giới hạn chịu lửa EW (dễ đạt hơn, phù hợp với các sản phẩm kính;
- Giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất, ví dụ: Theo quy định QCVN 06:2021/BXD (cũ), với công trình nhà công nghiệp hạng sản xuất C, nếu nhà 1 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 5200m2; nếu nhà 2 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 3500m2.
Tại QCVN 06:2022/BXD, cho phép nhà 1 tầng có khoang cháy đến 25.000 m2, nhà 2 tầng có khoang cháy đến 10.400 m2 và chỉ yêu cầu bậc chịu lửa III, IV tương ứng giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực là 45 phút hoặc 15 phút, giúp dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu chịu lửa;
- Giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực, quy định tại Bảng 4, Phụ lục E. Trước đây, tất cả các công trình đều yêu cầu tường ngoài (kính) phải có giới hạn chịu lửa, gây khó khăn trong đầu tư xây dựng về thi công, chi phí đầu tư.
Hiện nay, QCVN 06:2022/BXD đã có quy định cụ thể, giảm đáng kể các trường hợp yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa. Đồng thời khi các công trình đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với kết cấu này;
- Giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC. Đối với các công trình không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC thì được lựa chọn nhiều giải pháp ngăn cháy khác để thay thế như sử dụng các tường ngăn cháy, kết cấu ngăn cháy, cũng như trang bị bổ sung hệ thống chữa cháy tự động;
- Bổ sung quy định để cho phép một số trường hợp chỉ cần thiết kế 01 lối ra (cầu thang) thoát nạn hoặc bố trí cầu thang thoát nạn để hở;
- Giảm yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các khu vực miền núi, nông thôn cũng như các công trình quy mô nhỏ;
Như vậy, trong quá trình thực hiện quy định về PCCC, Bộ Xây dựng và Bộ Công an liên tục tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định của Quy chuẩn góp phần bảo đảm an toàn PCCC và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong qua trình sản xuất, kinh doanh.
Quá trình ban hành các Quy chuẩn có kèm theo các điều khoản chuyển tiếp để hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện quy định dễ dàng hơn, không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Để trả lời câu hỏi nêu trên, cần phân tích từng vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, kết cấu trong công trình có cần phải bảo vệ chống cháy hay không, tại sao?, được quy định tại văn bản nào?
Ngày 06/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, tại quy chuẩn này có quy định trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì nhà vẫn duy trì được tính ổn định tổng thể và tính bất biến hình trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà.
Tại Bảng 4 của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD (Điều 2.6.2) có quy định giới hạn chịu lửa tối thiểu cần đạt được của các bộ phận kết cấu nhà tương ứng với bậc chịu lửa của công trình đó.
Như vậy, các yêu cầu về giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực chính trong công trình được quy định tại Quy chuẩn 06:2020/BXD (nội dung này cũng tiếp tục được quy định tại quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD). Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH không đặt ra quy định mới, đồng thời, việc hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành các quy định này đã được triển khai từ thời điểm Quy chuẩn nêu trên có hiệu lực (tháng 7/2020).
Thứ hai, có các biện pháp nào để bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, có nhất thiết bắt buộc các kết cấu thép của nhà xưởng phải dùng sơn chống cháy hay không?
Theo quy định quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD, QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD (gọi tắt là Quy chuẩn 06) và các tài liệu nghiên cứu về an toàn cháy cho kết cấu công trình xây dựng, đối với các giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực, điển hình là kết cấu thép của dự án, công trình, hiện nay có nhiều giải pháp để chủ đầu tư, nhà thầu thi công lựa chọn, ví dụ:
- Thực hiện các giải pháp bảo vệ kết cấu bằng cách sử dụng các vật liệu bảo vệ điển hình tương tự hướng dẫn tại Phụ lục F của Quy chuẩn 06:2020/BXD (hoặc QCVN 06:2021/BXD; QCVN 06:2022/BXD);
- Sử dụng các giải pháp lớp bảo vệ chống cháy chủ động: Lớp bảo vệ dạng phun, trát (vữa chống cháy), hoặc lớp bảo vệ dạng tấm ốp (thạch cao, tấm chống cháy…);
- Sử dụng các giải pháp lớp bảo vệ chống cháy thụ động (sơn chống cháy);
- Sử dụng các giải pháp kỹ thuật làm mát (bằng nước, dung dịch);
- Sử dụng kết cấu bằng vật liệu đặc biệt có tính năng chịu lửa hoặc các loại vật liệu thay thế.
Do đó, không nhất thiết phải sử dụng sơn chống cháy cho các dự án, công trình. Tuy nhiên, trong thực tế, vì lý do thuận tiện thi công, bảo đảm thẩm mỹ, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra phương án sử dụng sơn chống cháy.
Nhưng không phải bất cứ kết cấu công trình nào cũng có thể dùng sơn chống cháy và không phải tất cả các sản phẩm sơn chống cháy đều có hiệu quả như nhau, do đó việc sử dụng giải pháp này cũng cần phải lưu ý các yếu tố kỹ thuật, cụ thể:
- Trước khi lựa chọn phương án sử dụng sơn chống cháy hoặc các chất, vật liệu chống cháy khác để bảo vệ kết cấu công trình, cần có thiết kế chịu lửa để xác định các loại kết cấu chịu lực chính cần bảo vệ chống cháy và nhiệt độ tới hạn của kết cấu trong điều kiện cháy, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy tương ứng, Thực tế hiện nay, các đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư thường bỏ qua bước thực hiện này;
- Sản phẩm sơn chống cháy của các hãng khác nhau có hiệu quả bảo vệ khác nhau, đồng thời khi sử dụng lên các kết cấu khác nhau cũng có hiệu quả bảo vệ khác nhau. Do đó, các loại sơn chống cháy được chọn để sử dụng cho dự án, công trình phải được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả bọc bảo vệ theo quy trình tiêu chuẩn, phù hợp với thiết kế kết cấu công trình.
Thứ ba, Bộ Công an có quy định phải kiểm định kết cấu công trình, gây khó khăn cho doanh nghiệp hay không?
Để đánh giá giới hạn chịu lửa của kết cấu thực tế trong công trình, tại Điều 2.2.2.2 của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD quy định 03 phương pháp (nội dung này tiếp tục được quy định tại QCVN 06:2021/BXD; QCVN 06:2022/BXD), gồm:
a) Tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa;
b) Đối chiếu đặc điểm kỹ thuật với cấu kiện tương đương được nêu tại Phụ lục F của Quy chuẩn này;
c) Đối chiếu với mẫu thử nghiệm chịu lửa có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật tương đương.
Theo đó, trong trường hợp không có cơ sở đánh giá giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực theo mục a) hoặc mục b) nêu trên thì cần phải thực hiện thử nghiệm chịu lửa cho mẫu kết cấu và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho mẫu kết cấu đó. Đồng thời, tại Quy chuẩn này cũng quy định phương pháp thử nghiệm xác giới hạn chịu lửa của mẫu kết cấu chịu lực.
Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Tại khoản 2 Điều 38 và mục 5 Phụ lục VII của Nghị định này có quy định "Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy" phải kiểm định về PCCC.
Quy định này thay thế quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, quy định kiểm định vật liệu và chất chống cháy (ví dụ: sơn chống cháy; vật liệu chống cháy; chất ngâm tẩm chống cháy…).
Việc kiểm định mẫu kết cấu bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy giúp đánh giá đầy đủ bản chất của kết cấu chịu lực làm việc trong điều kiện cháy, chứng minh khả năng bảo vệ chống cháy của các lớp vật liệu bảo vệ cho kết cấu công trình.
Quy định này đảm bảo tính khoa học, đồng bộ với các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy do Bộ Xây dựng ban hành đã nêu trên, đồng thời phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế.
Để triển khai thực hiện các quy định nêu trên, ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022.
Tại mục b, khoản 3.1.1 của Quy chuẩn đã quy định rõ: Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường (không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định cho từng dự án, công trình).
Như vậy, không phải toàn bộ các kết cấu được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy đều phải kiểm định về PCCC và không cần thiết phải có Giấy chứng nhận kiểm định về PCCC cho từng dự án, công trình cụ thể.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Nội dung được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trên hồ sơ không bao gồm chấp thuận giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, mà chỉ chấp thuận việc đặt ra giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình đó, làm cơ sở đánh giá bậc chịu lửa cho công trình.
Sau khi được thẩm duyệt về PCCC, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công kết cấu với các phương pháp bọc bảo vệ khác nhau để bảo đảm giới hạn chịu lửa, không nhất thiết phải dùng sơn chống cháy như dự kiến ban đầu.
Nhiều trường hợp tại hồ sơ thiết kế đưa ra giải pháp sử dụng sơn chống cháy, tuy nhiên các giải pháp này được đưa ra trên cơ sở kinh nghiệm mà không dựa trên thiết kế chịu lửa của công trình (do không có thiết kế chịu lửa) và khả năng thực tế của các sản phẩm sơn chống cháy có trên thi trường (do không có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế của sơn chống cháy), dẫn tới việc thực hiện bất khả thi.
Thực tế, chủ đầu tư, các đơn vị sản xuất sơn chống cháy và nhà thầu thi công thường không quan tâm đến các nguyên tắc kỹ thuật khi sử dụng sơn chống cháy, chủ yếu thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm, có tư duy giống như sử dụng sơn hoàn thiện nội ngoại thất, dẫn tới tình trạng các dự án sau khi thi công không bảo đảm an toàn về PCCC, không được nghiệm thu về PCCC.
Cần hiểu rõ, việc nêu phương án sử dụng sơn chống cháy (các các phương án khác) trong thiết kế kết cấu chỉ mang tính định hướng giải pháp, nhưng cần tính đến tính khả thi của phương án đã đưa ra.
Khi tổ chức thi công theo hồ sơ thiết kế, nếu phương án bảo vệ chống cháy kết cấu không khả thi có thể lập hồ sơ để thay thế bằng các phương án khác bảo đảm giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình.
Để đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư cần lựa chọn các sản phẩm sơn chống cháy đã được thử nghiệm, có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế và đã được kiểm định theo quy định (trong trường hợp này, cơ quan Cảnh sát PCCC thực hiện kiểm định mẫu kiểm chứng).
Việc chủ đầu tư lựa chọn đơn vị sản xuất sơn chống cháy chưa đảm bảo chất lượng, tổ chức thi công sơn chống cháy khi không có kết quả kiểm định là chưa phù hợp, không tuân thủ quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Tại Điều 2.3.2 của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD (được bảo lưu tại QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD) quy định 03 phương pháp đánh giá khả năng chịu lửa của kết cấu công trình, gồm:
a) Tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa;
b) Đối chiếu đặc điểm kỹ thuật với cấu kiện tương đương được nêu tại Phụ lục F của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD;
c) Đối chiếu với mẫu thử nghiệm chịu lửa có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật tương đương.
Như vậy, chỉ trường hợp kết cấu phải thực hiện thử nghiệm mẫu để kiểm chứng (do không có cơ sở đánh giá giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực theo mục a) hoặc mục b) nêu trên) thì cần phải thực hiện thử nghiệm chịu lửa cho mẫu kết cấu và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho mẫu kết cấu đó.
Bên cạnh đó, thực hiện quy định tại Điều 38 và Phụ lục VII Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhà sản xuất chỉ phải thực hiện kiểm định đối với "Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy", cụ thể như sau:
- Đơn vị sản xuất chất, vật liệu bảo vệ kết cấu chịu lửa thực hiện việc xây dựng "Bộ tập hợp số liệu của kết cấu thép được bảo vệ bằng chất hoặc vật liệu chống cháy" (chế tạo mẫu, tiến hành thử nghiệm các mẫu kết cấu theo tiêu chuẩn ISO 834-10 hoặc BS EN 13381-8:2013); Đối với các sản phẩm do doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, đã được phòng thử nghiệm quốc tế có năng lực xây dựng tập hợp số liệu phục vụ thiết kế theo quy trình tiêu chuẩn thì được xem xét chấp thuận trên cơ sở kết quả thử nghiệm kiểm chứng theo điều kiện môi trường tại Việt Nam;
- Sau khi có "Bộ tập hợp số liệu của kết cấu thép được bảo vệ bằng chất hoặc vật liệu chống cháy" đơn vị sản xuất kết cấu chịu lửa lập hồ sơ đề nghị kiểm định và chế tạo mẫu để thử nghiệm kiểm chứng cho "Bộ tập hợp số liệu";
- Đơn vị kiểm định thực hiện tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình kiểm định (lấy mẫu, giám sát thử nghiệm, trường hợp mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy được thử nghiệm đánh giá giới hạn chịu lửa có kết quả đạt yêu cầu, sẽ được cơ quan kiểm định lập biên bản kiểm định phương tiện PCCC theo quy định);
- Tổ chức, doanh nghiệp căn cứ kết quả kiểm định nêu tại Biên bản kiểm định phương tiện PCCC, tiến hành nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC trên cổng dịch vụ công của Bộ Công an.
Trường hợp hồ sơ phù hợp quy định, kết quả kiểm định đạt yêu cầu, trong 05 ngày làm việc, cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ cấp giấy chứng kiểm định phương tiện PCCC cho mẫu đã thử nghiệm kiểm chứng nêu trên, được sử dụng là căn cứ để các đơn vị sản xuất cấu chịu lực được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy sản xuất, thi công cho các công trình (trên giấy chứng nhận nêu rõ phạm vi áp dụng tương ứng phạm vi tập hợp số liệu đã được đánh giá kiểm chứng, có giá trị sử dụng cho các dự án, công trình; không cần thiết phải có Giấy chứng nhận kiểm định cho từng dự án, công trình cụ thể).
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều sản phẩm chất, vật liệu bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình phổ biến như:
- Các sản phẩm do Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất: Sơn chống cháy NTS-101 của Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ mới Việt Nam, Sơn chống cháy ICONER của Công ty TNHH Vật liệu tiên tiến DESAM; Công ty cổ phần Kỹ Thuật và Thương Mại SBC Việt Nam (đã thực hiện thử nghiệm và xây dựng tập hợp số liệu phục vụ thiết kế); dự kiến, sắp tới sẽ có nhiều sản phẩm khác do doanh nghiệp trong nước sản xuất và được công bố bảo đảm chất lượng.
- Các sản phẩm nhập khẩu đã có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế (do các tổ chức thử nghiệm quốc tế công bố) như: Vữa chống cháy Isolatek Type M-II (Greentech Asia Pacific/ Malaysia sản xuất, đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định về PCCC), Vữa chống cháy Monokote Z-106/HY (GCP AppliedTechnologies/ Hàn Quốc sản xuất, đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định về PCCC); Sơn chống cháy CharFomax SH-100 (Công ty Samhwa Paint/ Hàn Quốc); Sơn chống cháy Firemask SQ476 (Công ty KCC Corporation/ Hàn Quốc); Sơn chống cháy Steelmaster 60WB, Steelmaster 1200WF (Công ty Jotun A/S); Các sản phẩm của Promat như: tấm ốp chống cháy (tên thương mại PROMATECT®H), vữa chống cháy (tên thương mại PROMASPRAY®C450), sơn chống cháy (tên thương mại PROMAPAINT®SC3) …
Do đó, chủ đầu tư có thể lựa chọn sản phẩm có thông số kỹ thuật phù hợp với dự án, công trình để tổ chức thực hiện các giải pháp PCCC phù hợp.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Để thuận lợi trong tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu chất, vật liệu chống cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thông tin chi tiết các đơn vị thử nghiệm đã được Bộ Xây dựng cấp phép thực hiện các thử nghiệm chịu lửa (tính đến thời điểm hiện tại) như sau:
- Phòng thử nghiệm LAS-XD 416 thuộc Viện KHCN Xây dựng, địa chỉ cơ sở thử nghiệm: 81 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội;
- Phòng thử nghiệm LAS-XD 1471 thuộc Trường đại học PCCC, địa chỉ cơ sở thử nghiệm: Cơ sở 1 (243 đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội); cơ sở 2 (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình); cơ sở 3 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai);
- Phòng thử nghiệm LAS-XD 1133 thuộc Viện Vật liệu Xây dựng, địa chỉ cơ sở thử nghiệm: Số 235 đường Nguyền Trãi, Phường Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội;
- Phòng thử nghiệm LAS-XD 1646 thuộc Công ty TNHH công nghệ phòng cháy chữa cháy Phương Nam, địa chỉ cơ sở thử nghiệm: Lô số 26, Đường số 5, KCN Tân Đức, Xã Đức Hòa Hạ, Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Ngoài ra, còn nhiều đơn vị thử nghiệm khác đang trong quá trình triển khai và xin cấp phép tại Bộ Xây dựng.
Như vậy, có thể thấy mạng lưới các cơ sở thử nghiệm đã phủ khắp cả nước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thử nghiệm. Các đơn vị có nhu cầu có thể lựa chọn phòng thử nghiệm thuận lợi, phù hợp để tổ chức thử nghiệm đánh giá sản phẩm theo quy định.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Hiện nay, cách hiểu quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn như vậy là quy chụp, không đúng quy định. Cụ thể:
Tại QCVN 06:2021/BXD và QCVN 06:2022/BXD quy định giới hạn chịu lửa của cửa đi trên vách ngăn cháy loại 1, 2, 3 tương ứng là EI 60 phút; EI 30 phút; EI 15 phút.
Hiện nay, có rất nhiều đơn vị trên thị trường sản xuất, cung cấp các sản phẩm đạt chất lượng nêu trên, với chất lượng phù hợp và thiết kế bảo đảm hoạt động an toàn, thuận tiện, các doanh nghiệp có thể dễ dàng liên hệ và tìm hiểu.
Mặt khác, việc bảo đảm an toàn PCCC trong các loại nhà và công trình ngoài áp dụng QCVN 06:2022/BXD còn thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng đối với từng loại hình công trình. Hiện nay, QCVN 06:2022/BXD đã có quy định một số khu vực được sử dụng loại cửa có giới hạn chịu lửa EW (tính toàn vẹn và tính bức xạ nhiệt), giảm yêu cầu so với QCVN 06:2021/BXD.
Đối với việc kiểm định cửa chống cháy, hiện nay quy định pháp luật chỉ yêu cầu kiểm định đối các mẫu cửa để làm mẫu phục vụ sản xuất, nhập khẩu cung cấp cho thị trường, không quy định phải kiểm định cho từng dự án, công trình.
Bên cạnh đó, tại QCVN 06:2021/BXD và QCVN 06:2022/BXD chỉ quy định giới hạn chịu lửa của ống dẫn khói, không khí với giới hạn chịu lửa tương ứng là EI60 phút, không quy định vật liệu sử dụng.
Hiện nay rất nhiều danh nghiệp sản xuất các sản phẩm loại này đã được thử nghiệm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng các vật liệu chống cháy khác nhau, không nhất thiết sử dụng thạch cao chống cháy.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Danh mục dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt về PCCC được quy định cụ thể tại Phụ lục V, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Trong đó chỉ quy định: "Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên" thì thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC, không quy định "nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng" phải thuộc diện thẩm duyệt về PCCC.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Ngày 28/7/2010, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 07/2010/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, và có hiệu lực thi hành từ ngày 17/9/2010.
Theo đó, tại quy chuẩn này có quy định trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản; không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ.
Do đó, tại Phụ lục E của quy chuẩn này quy định khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình. Các quy định này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại các lần sửa đổi năm 2020, 2021, 2022.
Tại Quy chuẩn đã đưa ra các giải pháp để khi các công trình không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì phải có các giải pháp ngăn cháy để thay thế, giảm khoảng cách an toàn PCCC như sử dụng tường ngăn cháy, bổ sung hệ thống chữa cháy tự động...
Nếu thiết kế công trình không bảo khoảng cách an toàn PCCC và cũng không bảo đảm ngăn cháy giữa các công trình thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy lan đến các công trình lân cận và gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an luôn nắm bắt các phản ánh bất cập của doanh nghiệp và người dân để thông tin Bộ Xây dựng trong quá trình soát xét các quy định về PCCC.
Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu các giải pháp để đưa ra các quy định khoảng cách an toàn PCCC phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Tại khoản 2 Điều 38 của Nghị định này có quy định "Phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông phải được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy"
Như vậy, các phương tiện PCCC được kiểm định ngay từ khi sản xuất, nhập khẩu, trường hợp có kết quả đạt thì được dán tem kiểm định trước khi lưu thông ra thị trường, không phải thực hiện kiểm định cho từng dự án, công trình.
Bên cạnh đó, tại mục 5 Phụ lục VII của Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định "Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy" là phương tiện phải kiểm định về PCCC.
Sau khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực, để hướng dẫn thực hiện kiểm định phương tiện PCCC, ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022. Tại mục b, khoản 3.1.1 của Quy chuẩn đã quy định rõ: Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường (do đó, không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định cho từng dự án, công trình).
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: Việc tính toán thiết kế chịu lửa là một trong các nội dung của thiết kế kết cấu công trình xây dựng do đơn vị thiết kế kết cấu thực hiện tùy theo yêu cầu an toàn của công trình (bao gồm thiết kế chịu lực, thiết kế chịu lực trong điều kiện động đất, gió mạnh, hoặc trong điều kiện cháy…).
Theo quy định hiện hành, việc quản lý, hướng dẫn, đánh giá, xác nhận năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế kết cấu công trình do Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng thực hiện tùy theo cấp công trình./.