In bài viết

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó Áp thấp nhiệt đới; nguy cơ mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất

21:03 - 18/09/2024

(Chinhphu.vn) - Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó Áp thấp nhiệt đới; nguy cơ mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất- Ảnh 1.

Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh NCHMF

Áp thấp nhiệt đới diễn biến rất phức tạp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.

Công điện nêu: Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay (ngày 17 tháng 9 năm 2024), áp thấp nhiệt đới đã vượt qua đảo Ludong (Philippines) vào vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông; hồi 10 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 119,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9. 

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/giờ về hướng quần đảo Hoàng Sa và có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới.

Bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta, gây gió giật mạnh, mưa lớn ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày tới.

Diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn rất phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển và hướng di chuyển). 

Chủ động ứng phó bão; nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Một là, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.

Hai là, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương.

Trong đó: Tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.

Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Trực ban 24/7, đôn đốc địa phương ứng phó bão

Ba là, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, biết được kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt nhằm hạn chế thiệt hại.

Bốn là, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Năm là, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó Áp thấp nhiệt đới; nguy cơ mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất- Ảnh 5.

Hai kịch bản đổ bộ đất liền của Bão số 4

Nhận định về diễn biến áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông trên TTXVN, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, khoảng sáng 17/9, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông và ngày 18/9 mạnh lên thành bão (bão số 4) với sức gió mạnh cấp 8 khi di chuyển đến vùng biển giữa Biển Đông (khu vực Hoàng Sa).

Đối với bão số 4 có thể xảy ra 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất: Bão có khả năng di chuyển về phía khu vực Trung Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này thì tác động của bão đối với khu vực trên sẽ có thể sớm hơn từ 1-2 ngày (khoảng ngày 19-20/9).

Cuối tháng 9, Biển Đông sẽ xuất hiện 1-2 cơn bão; cảnh báo mưa lũ dồn dập ở miền Trung

Dự báo về tình hình thời tiết thời gian tới, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, thời tiết Bắc Bộ trong 7 ngày tới chủ yếu ít mưa, ngày nắng gián đoạn.

Từ nay đến hết ngày 17/9, khu vực Bắc Bộ trong đó trọng tâm là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hải Phòng có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10-30mm/ngày, cục bộ có mưa to trên 50mm/ngày.

Từ nay đến hết tháng 9 trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão (khả năng tập trung vào 10 ngày cuối tháng 9) và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ dồn dập ở Trung Bộ trong thời kỳ mưa lũ tháng 10-11/2024.
Kịch bản thứ hai: Bão đổi hướng và di chuyển theo hướng Tây Bắc đi về phía khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này thì tác động của bão đến đất liền sẽ vào cuối tuần này.

Đề cập đến các lưu ý đối với cơn bão này, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trước mắt cần chú ý về khả năng tác động của gió mạnh, sóng lớn trên khu vực phía Đông của khu vực Bắc của Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 114; phía Bắc vĩ tuyến 14).

Theo đó, từ sáng 17/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào, dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), biển động.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Đối với việc ảnh hưởng của bão đến đất liền, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tác động của bão vì nhiều khả năng bão sẽ có những thay đổi sau khi vào Biển Đông.

Bão số 4 có mạnh như siêu bão YAGI - bão số 3?

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, vị trí hình thành của cơn áp thấp nhiệt đới hiện nay khá giống với siêu bão YAGI - bão số 3 (cùng ở khu vực phía Đông của đảo Luzon - Philippines).

Tuy nhiên, điều kiện môi trường hiện nay không được thuận lợi như cơn bão số 3 (YAGI) mà nó phải chia sẻ lượng ẩm với cơn bão Pulasan (đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương) vì thế khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới không mạnh ngay thành bão mà phải mất khoảng 1-2 ngày hoàn thiện cấu trúc để có thể phát triển thành bão.

Ngoài chịu tương tác với cơn bão Pulasan (đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương); khi vào Biển Đông trường dòng dẫn quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới cũng đang có biến động nhiều.

Ngoài ra, vào khoảng sau ngày 19/9 còn có khả năng có khối không khí lạnh nhẹ đầu mùa từ phía Bắc di chuyển xuống, tất cả những điều kiện khí quyển hiện tại và tương lai khiến cho đường đi của áp thấp nhiệt đới, sau sẽ là cơn bão sẽ phức tạp hơn nhiều so với siêu bão YAGI.

“Tất cả các mô hình dự báo hiện tại của Việt Nam và quốc tế đều thống nhất cường độ của cơn bão này sẽ không mạnh như bão YAGI”, ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.