Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đề xuất 3 chế độ cơ bản mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng, tương tự như tham gia BHXH bắt buộc.
Cụ thể, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ gồm: 1- Giám định mức suy giảm khả năng lao động; 2- Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; 3- Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Theo dự thảo, người lao động bị tai nạn lao động chủ động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1- Sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
2- Sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định;
3- Đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Dự thảo nêu rõ, người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động nhiều lần.
Đối với người lao động đã được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định, nếu thương tật tái phát đã điều trị ổn định, thì được Cơ quan bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định lại sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó.
Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả phí giám định đối với các trường hợp sau: a- Khi người lao động chủ động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định trên mà có kết luận của Hội đồng giám định y khoa là tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên; b- Khi người lao động được giới thiệu đi giám định lại theo quy định.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần với mức như sau:
Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Ngoài mức trợ cấp trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, cứ thêm mỗi năm đóng kể từ năm đóng thứ 2 trở đi được tính thêm 0,3 mức lương cơ sở.
Thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1- Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động; 2- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động; 3 Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động; 4- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động trên 31% bị chết trong quá trình điều trị do thương tật tái phát mà số tháng người lao động đó được hưởng trợ cấp chưa đủ 36 tháng.
Theo dự thảo, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Ngoài mức trợ cấp theo quy định trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5% mức lương cơ sở, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức lương cơ sở.
Theo dự thảo, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên do bị tai nạn lao động mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Dự thảo nêu rõ, người lao động bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.
Loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, niên hạn, mức tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, hồ sơ, trình tự thực hiện được áp dụng như đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 51 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.